Khi nói về Nelson Mandela hay đất nước Nam Phi, người ta hay nhắc đến cuộc đấu tranh chống “chủ nghĩa A-pác-thai”.

Vậy chủ nghĩa A-pác-thai là gì? Về thực chất, đó là một dạng của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, do thiểu số người da trắng ở miền Nam và Tây Nam Phi áp đặt để duy trì ách thống trị của họ đối với đa số người da đen bản địa.

Nhưng tại sao không gọi nó đơn giản là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, mà phải gọi là “chủ nghĩa A-pác-thai”? Liệu nó có phải là học thuyết của một ông A-pác-thai nào đó, giống như chủ nghĩa Marx là hệ tư tưởng do Karl Marx khởi xướng? Không, hoàn toàn không phải vậy. Nó không có gốc từ liên quan đến họ tên của bất kỳ một nhân vật nào. Thực chất, đó đơn giản là vấn đề từ vựng trong tiếng Nam Phi, một biến dạng của tiếng Hà Lan. (Người da trắng thống trị ở Nam Phi chủ yếu là dân gốc Hà Lan.) Đây là một ngôn ngữ rất gần với tiếng Anh. Trong thứ tiếng đó, từ mà báo chí ta phiên âm là a-pác-thai được viết là “apartheid”, có phiên âm quốc tế là [ɐˈpɑːrtɦɛit]. Nó được ghép từ chữ “apart”, có nghĩa là phân biệt, cách ly, ở đây ý nói phân biệt da trắng với da đen, kèm theo sự phân biệt đối xử tệ hại (trong tiếng Anh cũng có từ “apart” là trạng từ với nghĩa là tách rời) và đuôi từ “-heid” (tương ứng với “-hood” trong tiếng Anh) có nghĩa là “tình trạng”.

READ  TOP 20 bài hát về phụ nữ Việt Nam cực ý nghĩa

Như vậy, “apartheid” hiểu thật đúng phải là “tình trạng phân biệt chủng tộc”. Đó đơn giản là một từ trong tiếng Nam Phi, đồng nghĩa với “racism”. Nó là một khái niệm chung, không liên quan đến học thuyết của một cá nhân nào. Việc dùng từ này thay cho từ racism khi nói đến tệ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi chỉ để nhấn mạnh rằng ta đang nói đến tệ nạn đó ở chính Nam Phi chứ không phải nơi nào khác.

Apartheid được áp đặt ở Nam Phi và Tây Nam Phi bởi đảng cầm quyền của người da trắng gốc Hà Lan vào khoảng năm 1940, sau khi loại bỏ được sự kiểm soát của người Anh trong cuộc tranh giành quyền khai thác kim cương tại miền đất này. Sau nhiều thập niên đấu tranh kiên cường dưới sự dẫn dắt của Mặt Trận Dân Tộc Phi (ANC) đứng đầu là Nelson Mandela và một số tổ chức khác, nhân dân Nam Phi đã buộc được chính quyền của người da trắng phải thừa nhận quyền bình đẳng của mọi thành viên trong xã hội, bất kể màu da và xuất xứ. Ngày 2 tháng 2 năm 1990, tổng thống da trắng de Klerk tuyên bố hủy bỏ các điều luật phân biệt chủng tộc, thừa nhận ANC và các đảng phái của người da đen là hợp pháp. Chín ngày sau, Nelson Mandela ra khỏi nhà tù Victor Verster. Trong năm 1993, hai ông Nelson Mandela và de Klerk được trao giải Nobel hòa bình. Cuối cùng, vào năm 1994, cuộc bầu cử tự do đầu tiên ở Nam Phi diễn ra, kết quả là Nelson Mandela trở thành tổng thống da đen đầu tiên, chấm dứt sự tồn tại của apartheid.

READ  Up To My Ears là gì và cấu trúc Up To My Ears trong Tiếng Anh

NTS

(Theo en.wikipedia.org và cs-students.stanford.edu. )