Núm vú (đầu ti): Cấu tạo, chức năng và các vấn đề thường gặp

Núm vú (đầu ti): Cấu tạo, chức năng và các vấn đề thường gặp

Núm vú là phần trung tâm của vú, có hình dạng, kích thước, màu sắc khác nhau ở mỗi người. Các vấn đề thường gặp ở núm vú là tiết dịch, đau, ngứa… hầu hết đều lành tính. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đây là các dấu hiệu cảnh báo ung thư.

núm vú

Núm vú (đầu ti) là gì?

Núm vú nằm ở phần trung tâm của vú và liên kết với tuyến vú. Hình dạng, kích thước núm vú ở mỗi người có thể lớn hoặc nhỏ, nhạt hoặc tối màu và có hình dạng khác nhau. Thậm chí, cùng một người nhưng núm vú bên đây có thể khác núm vú bên kia. [1]

Cấu tạo của núm vú gồm các bộ phận nào?

Chức năng chính của ngực phụ nữ là sản xuất sữa mẹ và nuôi con bằng sữa mẹ. Cấu tạo của vú gồm: núm vú, quầng vú, các ống dẫn sữa, thùy, tiểu thùy, mô tuyến, hạch bạch huyết và mạch máu. [2]

1. Núm vú

đầu ti
Núm vú nằm ở phần trung tâm của vú và liên kết với tuyến vú.

Núm vú nằm ở giữa vú và được bao quanh bởi quầng vú. Mỗi núm vú có lỗ đổ của các ống dẫn sữa để sữa mẹ chảy qua. Núm ti được giữ thẳng nhờ các cơ trơn nhỏ, phản ứng với tín hiệu từ hệ thống thần kinh. Sự cương cứng của núm vú có thể do nhiệt độ lạnh hoặc kích thích.

2. Quầng vú

Bao quanh núm vú là quầng vú. Vùng da sẫm màu hơn phần còn lại của vú, có đường kính trung bình khoảng 5-6cm. Có những nốt gồ nhỏ trên quầng vú. Đây là nang lông hoặc tuyến Montgomery, là tuyến bã nhờn (dầu). Khi mang thai, quầng vú thường phát triển đường kính, sẫm màu hơn. Quầng vú có thể thay đổi kích thước khi bạn già đi, tăng cân hoặc thay đổi nội tiết tố (tuổi dậy thì hoặc mãn kinh).

3. Tuyến Montgomery

Tuyến Montgomery (tuyến quầng vú hoặc củ Montgomery) là những tuyến nhỏ nằm ngay dưới bề mặt quầng vú, giống những vết sưng nhỏ trên da, cung cấp chất bôi trơn trong thời gian cho con bú và có mùi hương thu hút trẻ sơ sinh vào vú.

4. Thùy vú

Mỗi vú có 15-20 thùy chứa các cụm tiểu thùy sản xuất sữa mẹ. Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn (ILC) chiếm 10% số ca ung thư vú. ILC bắt đầu ở các tiểu thùy của vú và xâm lấn các mô xung quanh. ILC có cảm giác như một vùng dày hoặc đầy, khác với phần còn lại của vú.

5. Mô tuyến

Mô tuyến bao gồm các tiểu thùy tạo ra sữa mẹ và các ống dẫn sữa đến núm vú. Ống dẫn sữa là những ống nhỏ vận chuyển sữa từ tuyến sữa (các tiểu thùy ở vú) ra đầu núm vú. Sữa mẹ được tiết ra từ những lỗ nhỏ trên bề mặt núm vú. Trong thời gian cho con bú, ống dẫn sữa có thể bị tắc, dẫn đến nhiễm trùng (viêm vú).

6. Mạch máu

Hai nguồn cung cấp máu chính cho tuyến vú là động mạch vú trong và động mạch ngực bên.

7. Hạch bạch huyết

Dẫn lưu bạch huyết của vú bao gồm hai nhóm chính là hạch nách và hạch vú trong.

8. Dây thần kinh

Vú có mạng lưới dây thần kinh kinh nhạy cảm ở quầng vú và núm vú, làm cho ngực nhạy cảm khi chạm vào, khi lạnh và khi cho trẻ bú. Khi trẻ bắt đầu bú, các dây thần kinh được kích thích để giải phóng sữa từ ống dẫn sữa.

9. Cơ bắp và dây chằng

Vú nằm trên các cơ ngực, kéo dài từ xương ức lên đến xương đòn, vào nách. Cơ bắp và dây chằng kiểm soát chuyển động ở cánh tay, vai và kết nối với ngực.

10. Nang lông

Trên quầng vú có các nang lông, do vậy, vài sợi lông mọc trên quầng vú hoặc da ngực là bình thường.

Chức năng của núm vú là gì?

Đặc điểm của núm vú là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Chiều dài đầu ti tối thiểu 7mm giúp mẹ cho con bú thuận lợi. Núm vú ngắn, phẳng hoặc lõm vào gây những ảnh hưởng tiêu cực về thể chất và tâm lý đối với người mẹ đang cho con bú. [3]

READ  Bí Ẩn Top 5 Kem Tẩy Lông Vùng Kín Được Nhiều Chị Em Quan Tâm Hàng Đầu

Hình dạng và màu sắc của núm vú

1. Hình dạng núm vú

Núm vú có thể phẳng, nhô ra, thụt vào trong. Có thể một bên ngực núm vú nhô ra và bên kia núm vú thụt vào trong.

Bề mặt da của núm vú thường láng, trong khi bề mặt quầng vú gồ ghề. Các tuyến Montgomery là các nốt gồ nhỏ trên quầng vú có tác dụng bôi trơn núm vú trong thời kỳ cho con bú.

Bạn cần đến gặp bác sĩ trong các trường hợp sau:

  • Thay đổi bề mặt quầng vú/núm vú, ví dụ dày lên giống vỏ của quả cam.
  • Loét.
  • Dày da.
  • Sưng, nóng, đỏ.

2. Màu sắc núm vú

Màu sắc núm vú có thể thay đổi tạm thời theo thay đổi của nội tiết tố, thai kỳ và cho con bú. Kích thước núm vú cũng thay đổi tương tự như vậy. Thay đổi vĩnh viễn của núm vú có thể xảy ra sau phẫu thuật, giảm cân, và theo tuổi. Những thay đổi này thường không phải là nguyên nhân gây lo lắng; tuy nhiên có những thay đổi ở núm vú cần đi khám để bác sĩ có kết luận chính xác.

hình dạng núm vú
Màu sắc núm vú có thể thay đổi tạm thời theo thay đổi của nội tiết tố, thai kỳ và cho con bú.

Bình thường màu của quầng vú hơi sẫm hơn núm vú. Tùy theo màu da của bạn, màu của núm vú và quầng vú có thể thay đổi từ hồng nhạt cho đến nâu sậm.

Bạn cần đến gặp bác sĩ khi núm vú chuyển sang màu đỏ hoặc màu tím, thay đổi màu sắc kèm ngứa và chảy dịch.

3. Kích thước núm vú

Kích thước quầng vú và núm vú có thể khác nhau từng người, từ 3 – 6cm. Bình thường, kích thước quầng vú và núm vú có thể thay đổi khi dậy thì, các thời điểm khác nhau của chu kỳ kinh, mang thai, cho con bú. Tuy nhiên, bạn cần đi gặp bác sĩ để kiểm tra khi kích thước của một bên núm vú thay đổi so với bên kia.

Vấn đề liên quan tới núm vú thường gặp

Tiết dịch, đau và ngứa đầu ti là các vấn đề liên quan đến núm vú thường gặp. Hầu hết, các trường hợp này không có vấn đề gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu gợi ý đến nguyên nhân tiềm ẩn bên dưới nghiêm trọng hơn. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến triệu chứng, nguyên nhân và cách xử trí một số vấn đề thường gặp liên quan đến núm vú. [4]

Các triệu chứng thường gặp:

  • Tiết dịch núm vú. Dịch có thể trong, đục giống như sữa, hoặc có màu xanh, vàng, nâu.
  • Ngứa hoặc rát núm vú.
  • Nứt hoặc chảy máu núm vú.
  • Sưng và đau núm vú.
  • Thay đổi hình dạng núm vú.
  • Thay đổi xung quanh núm vú như nhíu da hoặc lõm da.

1. Giãn ống dẫn sữa

Giãn ống dẫn sữa không phải là dấu hiệu của bệnh ung thư vú. Một số trường hợp tình trạng giãn ống dẫn sữa dẫn đến ống dẫn sữa bị tắc nghẽn, dịch trong ống bị ứ đọng và thấm ra mô xung quanh. Ống dẫn sữa bị tắc nghẽn có thể dẫn đến nhiễm trùng, viêm ống dẫn sữa (không do vi trùng), áp xe vú.

2. U nhú trong ống dẫn sữa

U nhú trong ống là một khối nhỏ giống mụn cóc, không nguy hiểm, nằm trong ống dẫn sữa và thường là gần núm vú, gây dịch tiết có máu hoặc dính. U nhú có thể gây chảy dịch màu đỏ như máu ở núm vú. Bất kỳ vết sưng nhẹ hoặc vết bầm tím nào gần núm vú cũng có thể khiến u nhú chảy máu. U nhú đơn thường ảnh hưởng đến phụ nữ gần mãn kinh. Nhiều u nhú trong ống dẫn sữa phổ biến ở phụ nữ trẻ, xảy ra ở cả hai vú.

3. Tiết dịch núm vú

Dịch tiết núm vú là chất lỏng chảy ra từ núm vú. Dịch tiết từ núm vú có thể có màu trắng đục, trong, vàng, xanh, nâu hoặc có máu. Độ đặc của dịch tiết núm vú có thể khác nhau – nó có thể đặc và dính hoặc loãng và chảy nước. [5]

Núm vú tiết dịch khi mang thai và cho con bú là điều bình thường. Tiết dịch núm vú ít xảy ra hơn ở phụ nữ không mang thai hoặc cho con bú. Nam giới tiết dịch núm vú trong mọi trường hợp đều nên khám với bác sĩ khoa Ngoại Vú.

Tiết dịch núm vú có thể khiến nhiều phụ nữ lo lắng. Nhưng dịch tiết ra chỉ xảy ra khi núm ti và vú bị bóp có thể không phải là nguyên nhân đáng lo ngại. Nguy cơ ung thư khi núm vú tiết dịch là triệu chứng duy nhất là khá thấp.

Dấu hiệu núm vú cần đi khám

Nên đi khám khi có các dấu hiệu sau:

  • Tiết dịch núm vú khi không phải trong thời gian cho con bú.
  • Khó chịu ở núm vú kéo dài vài ngày.
  • Tiết dịch núm vú và sờ thấy có khối u trong vú.
  • Thay đổi da quanh núm vú bao gồm màu sắc và thụt núm vú.
  • Các dấu hiệu của nhiễm trùng bao gồm: đau vú hoặc tiết dịch núm vú kèm theo sốt, lạnh run.
READ  Tóc ngắn cho mặt tròn: 40 kiểu đẹp nhất dẫn đầu mọi xu hướng

1. Chảy sữa núm vú

Có thể ở một hoặc hai bên núm vú và không liên quan đến việc cho con bú. Tình trạng chảy sữa ở núm vú xảy ra ở khoảng 25% phụ nữ. Ngoài ra, tình trạng này có thể gặp ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân thường gặp là do tăng prolactin trong máu. Ngoài ra, các nguyên nhân khác có thể là:

  • Một số loại thuốc ngủ và thuốc an thần.
  • Thuốc chống trầm cảm.
  • Thuốc tăng huyết áp.
  • Thuốc chống rối loạn thần kinh.
  • Estrogen liều cao như viên thuốc ngừa thai.
  • Cần sa.
  • Một số loại thảo mộc như cây hồi, thì là, hạt cà ri.
  • Kích thích núm vú thường xuyên.
  • Nồng độ testosterone thấp có thể gây tiết sữa ở nam giới.

2. Viêm tuyến vú

Viêm vú trong thời gian cho con bú (làm cho vú trở nên đỏ, sưng, đau). Tình trạng viêm xảy ra do sữa được thoát lưu kém, có thể có nguyên nhân là do núm vú bị chấn thương. Các chấn thương này làm cho mô vú bị sưng lên, chèn ép vào ống dẫn sữa. Áp xe vú có thể xảy ra ở 11% phụ nữ đang cho con bú.

3. Áp xe vú

Ống dẫn sữa bị nhiễm trùng có thể gây đau vú, tiết dịch đặc và dính ở đầu núm vú. Nó cũng có thể gây ra sẹo trên da vú tương ứng. Đôi khi gây thụt núm vú vào trong.

4. Bệnh Paget vú

núm ti
Bệnh Paget vú là loại ung thư vú ít gặp, ảnh hưởng đến da và quầng vú quanh núm vú.

Là loại ung thư vú ít gặp, thường xảy ra ở phụ nữ nhưng cũng có thể gặp ở nam giới. Bệnh có thể ảnh hưởng đến da và quầng vú quanh núm vú. Ngoài ra, bệnh có thể xuất hiện một hay nhiều khối u trong vú. Triệu chứng của bệnh Paget núm vú bao gồm:

  • Ngứa, châm chích, đỏ núm vú và quầng vú.
  • Tróc da hoặc dày da núm vú.
  • Núm vú phẳng hơn bình thường.
  • Tiết dịch vàng hoặc đỏ từ núm vú.

5. Dị dạng của núm vú

Các dị dạng của núm vú có thể bẩm sinh hay mắc phải và được xem là một phần của dị dạng của vú. Các bất thường bao gồm tuyến vú phụ, thụt núm vú hay không có núm vú. Hầu hết, các dị dạng xảy ra từ lúc mới sinh.

Các dị dạng núm vú có thể xuất hiện ngay lúc mới sinh hoặc xuất hiện sau này. Các dị dạng xuất hiện ngay từ lúc mới sinh thường xảy ra ở đường sữa (là một dải chồi kéo dài từ nách đến bẹn và có nguồn gốc từ ngoại bì).

Núm vú phụ thường nằm dọc theo đường sữa (thường là bên dưới núm vú chính), nhưng cũng có thể xuất hiện ở các vị trí khác trên cơ thể như lưng, vai, đùi, mặt hay âm hộ.

Những khiếm khuyết nặng ở ngoại bì có thể dẫn đến tình trạng hoàn toàn không có tuyến vú ở cả hai bên.

Mặt khác, núm vú bị thụt vào trong hay bị co rút ngay từ lúc mới sinh có thể do các ống dẫn sữa phát triển không đầy đủ khi trẻ còn trong bào thai. Còn các dị dạng núm vú mắc phải điển hình là xảy ra sau này. Núm vú bị thụt vào trong hay co rút mới xảy ra do một nguyên nhân nào đó gây ra, phá hủy các cấu trúc của ống dẫn sữa như ung thư, viêm, nhiễm trùng, phẫu thuật.

Dị dạng núm vú bẩm sinh không đòi hỏi phải điều trị ngay mà theo dõi là chính. Tuy nhiên, những dị dạng mới xảy ra gần đây cần đi khám ngay để tìm nguyên nhân. Dị dạng núm vú thường không ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của vú nhưng ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh, nhất là trẻ ở lứa tuổi đang phát triển.

Phẫu thuật tạo hình lại núm vú được thực hiện sau khi tuyến vú đã phát triển đầy đủ. Phẫu thuật những trường hợp không có núm vú bẩm sinh cũng tương tự như tái tạo núm vú sau khi đã bị cắt bỏ hoặc bị chấn thương. Da vú xung quanh núm vú tái tạo sẽ được xăm màu để tạo quầng vú.

Thụt núm vú có thể gây khó khăn cho việc cho con bú nhưng ít khi được bệnh nhân cân nhắc điều trị. Nếu thụt núm vú mức độ nhẹ có thể dùng tay kéo núm vú ra trước khi cho bú, nhưng thụt núm vú mức độ nặng sẽ không thể kéo ra được mà phải phẫu thuật.

Triệu chứng bệnh lý núm vú phổ biến

  • Tiết dịch núm vú: Núm vú tiết dịch do sinh lý hoặc bệnh lý. Trường hợp tiết dịch do bệnh lý, có thể liên quan đến bệnh lành tính hoặc ác tính. Dịch tiết do ung thư vú có thể trong, có huyết thanh hoặc có máu. Khoảng một nửa số người bệnh có dịch tiết ở núm vú cũng có khối u ở vú và 20% trong số những bệnh nhân này có chẩn đoán ung thư vú.
  • Ngứa hoặc rát núm vú.
  • Nứt hoặc chảy máu núm vú.
  • Sưng và đau núm vú.
  • Thay đổi hình dạng núm vú: những thay đổi ở núm vú có thể là dấu hiệu quan trọng của bệnh ung thư vú. Bất kỳ thay đổi nào cũng nên đi khám với bác sĩ khoa Ngoại Vú để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và có phương án điều trị phù hợp.
  • Núm vú bị thụt hoặc lõm da: nếu ngay từ khi sinh ra, bạn đã có núm vú thụt vào trong, điều này là bình thường. Tuy nhiên, núm vú tụt mới xuất hiện, chỉ xảy ra ở một bên vú hoặc núm vú không lộ ra khi bị kích thích có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư vú. Da núm vú trở nên đỏ và có vảy hoặc đóng vảy hoặc dày lên, là dấu hiệu của bệnh Paget.
READ  Tại sao da tay bị nhăn khi gặp nước

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nên đi khám khi có các dấu hiệu sau:

  • Tiết dịch núm vú khi không phải trong thời gian cho con bú.
  • Khó chịu ở núm vú kéo dài vài ngày.
  • Tiết dịch núm vú và sờ thấy có khối u trong vú.
  • Thay đổi da quanh núm vú bao gồm màu sắc và thụt núm vú
  • Các dấu hiệu của nhiễm trùng bao gồm: đau vú hoặc tiết dịch núm vú kèm theo sốt, lạnh run

Phương pháp chẩn đoán tình trạng núm vú

Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng, các thuốc đã dùng, có phải đang mang thai hoặc trong thời gian cho con bú không. Sau đó, bác sĩ sẽ thăm khám hai vú và chỉ định làm một số cận lâm sàng tùy vào nguyên nhân mà bác sĩ nghĩ đến.

1. Chụp hình ống dẫn sữa

Bác sĩ sẽ bơm chất cản quang vào ống dẫn sữa và chụp X quang để xem ống dẫn sữa có tắc nghẽn không.

2. Chụp X quang tuyến vú

Chụp X quang tuyến vú (nhũ ảnh) hay siêu âm vú để phát hiện có khối u trong vú không. [6]

tình trạng núm vú
Khi bị đau núm vú, tiết dịch núm vú không rõ nguyên nhân, nên đi khám bác sĩ khoa Ngoại Vú để được chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp.

3. Sinh thiết da

Sinh thiết da để xem có tế bào ung thư trong da vú không.

Sinh thiết là phương pháp chắc chắn nhất để chẩn đoán ung thư vú. Trong quá trình sinh thiết, bác sĩ có thể sẽ sử dụng một thiết bị kim chuyên dụng được hướng dẫn bởi tia X hoặc xét nghiệm hình ảnh khác (siêu âm, MRI) để lấy lõi mô ra khỏi vùng nghi ngờ. Thông thường, một điểm đánh dấu nhỏ bằng kim loại sẽ được để lại ở vị trí bên trong vú của bạn để khu vực này có thể dễ dàng được xác định trong các phương tiện chẩn đoán hình ảnh trong tương lai.

Các mẫu sinh thiết được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích, nơi các chuyên gia xác định liệu các tế bào có phải là ung thư hay không. Mẫu sinh thiết cũng được phân tích để xác định loại tế bào liên quan đến ung thư vú, mức độ xâm lấn (cấp độ) của ung thư và liệu tế bào ung thư có thụ thể hormone hoặc các thụ thể khác có thể ảnh hưởng đến lựa chọn điều trị của bạn không.

4. Đo nồng độ prolactin trong máu

Đo nồng độ prolactin trong máu xem có cao không. Prolactin là hormone nội tiết do thùy trước tuyến yên sản xuất, giữ vai trò kích thích sự phát triển của tuyến vú và tiết ra sữa sau khi sinh ở mẹ bầu.

5. Xét nghiệm chức năng tuyến giáp

Xét nghiệm chức năng tuyến giáp xem có bất thường không.

6. Chụp CT và MRI

Nếu các xét nghiệm trên vẫn chưa thể kết luận được thì có thể bác sĩ sẽ chỉ định thêm chụp cắt lớp vi tính (CT) hay chụp cộng hưởng từ (MRI) để khảo sát kỹ hơn.

Điều trị các vấn đề núm vú

Có nhiều phương pháp điều trị khác nhau tùy theo nguyên nhân là gì.

  • Giãn ống dẫn sữa: Chườm nóng tại chỗ giúp giảm đau và bớt viêm. Có thể phải sử dụng kháng sinh để giải quyết tình trạng nhiễm trùng. Trong những trường hợp nặng, có thể phải can thiệp ngoại khoa để cắt bỏ ống dẫn sữa bị ảnh hưởng
  • U nhú trong ống: Cắt bỏ ống dẫn sữa bị ảnh hưởng là phương pháp điều trị triệt để u nhú trong ống.
  • Tiết sữa núm vú: Điều trị tiết sữa núm vú tùy thuộc vào nguyên nhân gây tiết sữa là gì. Nếu do thuốc thì có thể phải đổi thuốc khác thay thế. Bác sĩ có thể kê toa thuốc để làm giảm tiết prolactin.
  • Viêm vú trong thời gian cho con bú: Có thể phải dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng. Bác sĩ sẽ chọn kháng sinh nào không ảnh hưởng đến ảnh hưởng đến trẻ đang bú mẹ.
  • Áp xe vú: có thể được dẫn lưu xuyên da dưới hướng dẫn của siêu âm hay rạch da.
  • Bệnh Paget vú: có thể đòi hỏi phải cắt bỏ tuyến vú. Đôi khi có thể lựa chọn thay thế là cắt bỏ núm vú và xạ trị.

Hầu hết các vấn đề về đầu ti thường không nghiêm trọng và dễ điều trị. Để được an toàn, khi thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở vú bạn nên đi khám để được chẩn đoán chính xác.

Bệnh Paget vú nghiêm trọng hơn nhưng vẫn trị được. Khi thấy có bất cứ dấu hiệu nào kể trên bạn nên đi khám ngay lập tức. Bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt để có cơ hội khỏi bệnh hoàn toàn.

Phòng ngừa và chăm sóc núm vú như thế nào?

Một số vấn đề của núm vú có thể phòng ngừa được. Một số biện pháp phòng ngừa như: giữ sạch núm vú trong thời gian cho con bú, mặc trang phục phù hợp khi tập thể dục để tránh cọ sát, ngưng hoặc thay đổi thuốc có thể gây ra các vấn đề ở núm ti sau khi tư vấn với bác sĩ. Khi bị đau núm vú, tiết dịch núm vú không rõ nguyên nhân, nên đi khám bác sĩ khoa Ngoại Vú để được chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp.

Bài viết trên cung cấp kiến thức về núm vú và các vấn đề thường gặp ở núm vú (đầu ti). Hầu hết các vấn đề ở núm vú là lành tính nhưng nhiều trường hợp cảnh báo ung thư. Khi có các triệu chứng trên, bạn nên khám với bác sĩ khoa Ngoại Vú để được kiểm tra, chỉ định siêu âm, chụp nhũ ảnh, sinh thiết…. để có kết quả chính xác, điều trị kịp thời.