TỔNG ĐỐC HOÀNG DIỆU – TỬ THỦ THÀNH HÀ NỘI

TỔNG ĐỐC HOÀNG DIỆU – TỬ THỦ THÀNH HÀ NỘI

“Cô thành chống giữ một mình thôi

Khảng khái như ông được mấy người?

Sách cũ nghìn năm gương tiết rọi

Cô thần một chết tấm trung phơi”

Đó là bài thơ mà các sĩ tử đất Hà thành sáng tác để khóc thương cho Tổng đốc Hoàng Diệu – người đã để lại cho muôn đời sau tấm gương trung liệt, sáng ngời sau sự biến bi tráng năm 1882. Tên tuổi của ông được lưu truyền trong các bộ chính sử của Triều Nguyễn và bản gốc của các bộ sách này hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Hoàng Diệu có tên tự là Quang Viễn, hiệu là Tĩnh Trai, trước có tên là Hoàng Kim Tích, người Diên Phước, Quảng Nam. Vào năm Tự Đức thứ 6 (1853), Hoàng Diệu đỗ Ất khoa Lễ vi, từ Kiểm thảo Hàn lâm trải nhận chức ở các phủ huyện Bồng Sơn, Tuy Viễn, Tĩnh Gia. Vì mắc sai lầm nên bị giáng chức, lại được khởi phục lấy tên chức là Tri huyện rồi chuyển sang Tri phủ Lạng Giang, Đa Phúc. Sau ông được bổ chức Án sát Nam Định rồi thăng chức Bố chính Bắc Ninh. Năm Tự Đức thứ 30 (1877), ông được thăng thự Tham tri bộ Hình rồi đổi sang Kiêm quản Đô sát viện bộ Lại.

Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập, quyển 38, mặt khắc 1 ghi chép về thân thế Tổng đốc Hoàng Diệu

READ  Hệ Thức Lượng Trong Tam Giác Vuông Lớp 9 (đầy đủ)

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Vốn là người nổi tiếng làm chính sự giỏi, phàm có việc thuyên chuyển, đề cử một lòng công bằng, người ta đều khen là liêm chính nên Hoàng Diệu được triều đình cử làm Tổng đốc Hà Ninh, quản lý vùng trọng yếu là Hà Nội và phụ cận vào năm Tự Đức thứ 33 (1880). Biết rõ dã tâm xâm lược của thực dân Pháp lúc bấy giờ, Hoàng Diệu bắt tay ngay vào việc xây dựng thành lũy, chuẩn bị lực lượng, kinh lý, biên phòng. Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập, quyển 38, mặt khắc 2, có ghi: “Tổng đốc Hà Ninh, cùng với quyền Tổng đốc tỉnh Sơn Tây Nguyễn Hữu Độ dâng sớ nói về việc sửa sang biên phòng, lại cùng với Nguyễn Đình Nhuận mật tâu về chước phòng bị sẵn”. Và sau đó, ông đã lãnh đạo quân dân Hà Nội tử thủ chống lại quân đội Pháp, bất chấp triều đình Huế đã chấp nhận đầu hàng. Tháng 3 năm 1882, tàu binh lớn của Pháp áp bờ, hàng ngày mang khí giới đi lại ngoài thành, phao ngôn là vào thành đóng quân. Hoàng Diệu cho phòng bị nghiêm cẩn. Phái viên Pháp muốn cho dỡ hết đi, Hoàng Diệu không nghe. Một hôm vào buổi sáng, phái viên Pháp cho người đến đưa chiến thư. Hoàng Diệu cho Án sát Tôn Thất Bá đi thương thuyết. Tôn Thất Bá vừa mới ra khỏi thành thì quân Pháp đã xúm nhau bức bách bắn vào thành. Hoàng Diệu cùng với Tuần phủ Hoàng Hữu Bình chia đường đốc thúc chống đánh. Một lúc, bỗng thấy kho thuốc súng nổ tung, rồi quân Pháp trèo lên cầu thang thành để lên thành, thành bị vỡ. Hoàng Diệu chạy đến Hành cung khóc, lạy nói rằng: “Sức thần đã hết rồi”. Rồi đi thẳng đến phía trước đền Quan Công ở góc Tây Bắc phía trong thành, thắt cổ chết ở dưới một cây to, năm ấy ông 54 tuổi. Trước sự hy sinh của Hoàng Diệu, Vua Tự Đức đã ban tế một tuần để yên ủi hồn trung thần, cấp tiền 1.000 quan để nuôi mẹ già và được đưa vào thờ ở đền Trung nghĩa để biểu dương.

READ  Cách tính diện tích hình tròn và chu vi hình tròn

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 67, mặt khắc 31 ghi chép về việc Tổng đốc Hoàng Diệu chết vì tiết nghĩa

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Sự tuẫn tiết của Tổng đốc Hoàng Diệu để lại tiếc thương cho nhân dân. Và đến nay, tấm gương và lòng trung nghĩa của của ông vẫn được các thế hệ sau tưởng nhớ, khắc ghi. Tại Hà Nội, tên ông được đặt cho con đường rất đẹp, kéo dài từ phố Phan Đình Phùng đến phố Nguyễn Thái Học, vốn là đường hào cạnh phía Tây hành cung thành Hà Nội đời Nguyễn. Và ở nhiều tỉnh, thành phố khác của nước ta đều có những tên đường và trường học mang tên Hoàng Diệu./.

Mai Duyên

Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Tài liệu tham khảo:

1) Hồ sơ H17/39, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2) Hồ sơ H24/68, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

3) Hoàng Diệu – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.