Peel da là gì? Có tác dụng như thế nào đối với làn da

Peel da là gì? Có tác dụng như thế nào đối với làn da

Peel da (tái tạo da bằng hóa chất) với các hoạt chất tác động lên da giúp loại bỏ tế bào chết, kích thích tái tạo làn da mới, làm thông thoáng lỗ chân lông. Với cơ chế này sẽ giúp da giảm thâm sạm, hỗ trợ điều trị mụn và trẻ hóa da. Bài viết sau đây của thạc sĩ bác sĩ CKI Trần Nguyễn Anh Thư, khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ về vấn đề peel da là gì? Peel da có tác dụng như thế nào với làn da?

peel da là gì

Peel da là gì?

Peel da là phương pháp sử dụng các chất hóa học để phá hủy các tế bào ngoài cùng của da bị hư hỏng. Sau đó, lớp da này sẽ được tái tạo từ các tế bào đáy ở thượng bì hoặc trong các phần phụ của thượng bì như nang lông. Phương pháp này giúp loại bỏ tế bào chết, vi khuẩn, bụi bẩn, nằm sâu trong lỗ chân lông nhằm thúc đẩy quá trình thay và tái tạo da mới.

Những hoạt chất thường được sử dụng để peel da gồm: Salicylic Acid (BHA), Glycolic Acid (AHA), Trichloroacetic Acid (TCA),… (1)

Tác dụng của peel da đối với làn da

1. Peel da giúp trị mụn

Thành phần acid can thiệp sâu vào các ổ vi khuẩn gây mụn, các vùng chứa nhiều da chết, dầu thừa. Từ đó hỗ trợ làm sạch sâu những tuyến nang lông bị tắc nghẽn, nhanh chóng làm khô cồi mụn và đẩy mụn lên khỏi bề mặt da nhẹ nhàng.

Ngoài việc điều trị mụn, hoạt chất peel có thành phần acid còn giúp ngăn ngừa mụn xuất hiện một cách hiệu quả.

2. Peel da hỗ trợ cải thiện tình trạng lão hóa

Dấu hiệu lão hóa da bắt đầu từ 25 tuổi. Do đó, peel da sẽ thúc đẩy tăng sinh collagen, tăng tốc độ tái tạo tế bào để da được khoác lên mình chiếc áo mới, giúp trẻ hóa làn da.

3. Peel da giải quyết tình trạng sắc tố trên da

Các acid có nồng độ trung bình ở ngưỡng cho phép là hình thức peel da thường dùng để trị thâm sạm, nám, tàn nhang. Các hoạt chất này tác động trực tiếp lên bề mặt của da rồi đi từ lớp nhú bì đến lớp bì lưới của trung bì đến những vùng da cần điều trị, làm bong tróc một phần nám ở bề mặt da.

Phương pháp peel da này thường được sử dụng từ trung bình đến cao, vì vậy hình thức peel này được các bác sĩ chuyên sâu về Da liễu – Thẩm mỹ Da khuyến cáo không tự thực hiện tại nhà, có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

4. Peel da giúp làm sáng da

Khả năng loại bỏ “khuyết điểm” trên da như: bụi bẩn, dầu thừa, sợi bã nhờn rất tốt nên phương thức này giúp làn da sạch sâu đáng kể. Từ đó, hấp thu dưỡng chất tốt hơn, da cũng trở nên tràn đầy sức sống, hồng hào và cải thiện tone màu của da đáng kể.

5. Se khít lỗ chân lông

Peel da giúp loại bỏ các chất thừa tồn tại trên da, các mảnh tế bào chết gây bít lỗ chân lông, chúng tích tụ lâu dần khiến các lỗ chân lông to ra và khiến da sần sùi, không được láng mịn. Do đó, da có thể hấp thu dưỡng chất tốt hơn và đồng thời se khít lỗ chân lông.

READ  Có nên nặn mụn đầu đen không? 3 lý do khiến bạn phải cân nhắc

6. Kiểm soát dầu nhờn

Việc tiết nhờn được điều chỉnh hợp lý khi các lỗ chân lông được se khít, độ pH da cân bằng, bã nhờn thừa được loại bỏ sẽ giúp da kiểm soát dầu nhờn hiệu quả.

Khi nào nên lựa chọn phương pháp peel da?

1. Chỉ định

Các chỉ định liên quan đến các rối loạn sắc tố cần phải kể đến như:

  • Nám da
  • Tăng sắc tố sau viêm
  • Tàn nhang
  • Đồi mồi

Những chỉ định liên quan đến mụn trứng cá sau đây:

  • Sẹo rỗ mụn trứng cá nông
  • Sẹo thâm do mụn
  • Cồi mụn
  • Cấp độ mụn trứng cá từ nhẹ đến trung bình

Những chỉ định liên quan đến tăng trưởng biểu bì như:

  • Dày sừng tiết bã
  • Dày sừng ánh sáng
  • Dày sừng nang lông
  • Mụn cóc

Chỉ định điều trị thẩm mỹ:

  • Lão hóa
  • Nếp nhăn trên bề mặt
  • Lỗ chân lông to
  • Sẹo nông

2. Chống chỉ định

Chống chỉ định tương đối

  • Nếu bạn có nhóm da I, II và III thì peel từ nhẹ đến sâu vì ít nguy cơ rối loạn sắc tố và hình thành sẹo.
  • Nếu bạn có da thuộc nhóm IV, V, VI thì chỉ nên peel nhẹ, không dùng các hóa chất lột trung bình và lột sâu.

Chống chỉ định tuyệt đối

  • Vùng da peel có vết thương hở.
  • Tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm nấm cấp tính, nhiễm siêu vi.
  • Mắc bệnh ngoài da mạn tính: viêm da cơ địa, vảy nến.
  • Người có tiền sử bị sẹo lồi, sẹo xấu.
  • Người đang dùng isotretinoin, ánh sáng trị liệu bệnh ngoài da trong vòng 6 tháng: chống chỉ định peel trung bình hay peel sâu vì hóa chất peel tác động đến lớp bì sâu, có thể gây sẹo lồi hay sẹo xấu.

Peel da có bao nhiêu loại?

Peel da thường có 3 loại: (2)

1. Peel da nông

Peel da nông được xem là cấp độ nhẹ nhàng nhất trong tổ hợp các phương thức peel da. Ở phương pháp peel này sẽ lấy hết lớp biểu bì đến tầng tế bào đáy nằm giữa phần biểu bì và bì; tiến trình lột da nhẹ và nông này không cần gây tê, hoàn toàn tất sau 7-10 ngày và có thể được lặp lại nhiều lần, cách nhau ít nhất 2-3 tuần. Lột da nhẹ được chỉ định dùng cho các trường hợp làm da phẳng, mịn, cải thiện làn da sạm màu, da tổn thương do ánh nắng.

2. Peel da trung bình

Peel da trung bình sẽ thường dùng trichloroacetic acid (TCA) nồng độ 20%-35% để peel da với độ sâu trung bình, từ bì nhú đến bì lưới của trung bì. Trước khi thực hiện, da mặt có thể được làm lạnh hay gây tê vì phương pháp này có thể làm bỏng da.

Tiến trình peel kéo dài nhiều ngày và hoàn tất sau 10-14 ngày. Phương pháp peel này có thể lặp lại sau mỗi tháng. Peel da vừa có thể giúp làm mờ các vết thâm nhẹ, làm phẳng các vết nhăn nông, giảm một số rối loạn sắc tố nhẹ ngoài da.

3. Peel da sâu

Peel da sâu là phương pháp sẽ peel sâu đến tổ chức bì lưới của lớp bì. Hiện nay, việc tái tạo da mức độ sâu bằng hóa chất đã bớt phổ biến do cần thời gian nghỉ dưỡng dài sau phẫu thuật và tăng nguy cơ biến chứng, bao gồm nhiễm trùng, sẹo, giảm sắc tố da, mất tổ chức da và tác dụng độc cho tim.

Peel da sâu có thể được sử dụng để điều trị rối loạn sắc tố, nếp nhăn, khối u da tiền ác tính và sẹo mụn trứng cá. Tái tạo da sâu hiếm khi được sử dụng cho các loại da sẫm màu vì nguy cơ tăng sắc tố cao hơn trong khi các phương pháp laser an toàn hơn và hiệu quả hơn.

Tái tạo da sâu liên quan đến việc dùng phenol (nồng độ 88%) để tạo ra vết thương có kiểm soát trên da đối với lớp giữa hạ bì lưới. Phenol có tác dụng làm đông đặc và bong sừng. Tuy nhiên, hoạt chất này bị bất hoạt một phần bởi sự liên hợp ở gan và được bài tiết qua thận và có tác dụng gây độc cho tim.

Các hoạt chất được sử dụng trong peel da là gì?

1. AHA

AHA (Alpha hydroxy acid) là chất giữ ẩm và làm bong các tế bào sừng. AHA là một nhóm các hợp chất có nguồn gốc từ các sản phẩm thực phẩm như:

  • Citric acid: thường được chiết xuất từ chanh, quả dứa, cam.
  • Glycolic acid: chiết xuất từ đường mía, có thể kích thích collagen phát triển và đồng thời làm bong lớp sừng bên ngoài.
  • Malic acid: chiết xuất từ quả táo, làm nở lỗ chân lông giúp đẩy chất bã nhờn và giảm mụn rõ rệt.
  • Tartaric acid: chiết xuất từ quả nho, làm bỏng da nhẹ.
  • Lactic acid: chiết xuất từ trái việt quất hoặc sữa chua
READ  Phun Xăm Môi Giá Bao Nhiêu? Bảng Giá Phun Môi Mới Nhất 2024
AHA (Alpha hydroxy acid) làm bong các tế bào sừng, chất giữ ẩm
AHA (Alpha hydroxy acid) làm bong các tế bào sừng, chất giữ ẩm

2. BHA

BHAs (Beta hydroxy acids) là một nhóm các hoạt chất thơm trong đó acid salicylic (SA) là đại diện, acid salicylic hòa tan trong lipid (ưa mỡ), do đó BHA là một hóa chất peel tốt cho mụn trứng cá. SA hoạt động như một tác nhân tiêu sừng làm cho các tế bào của lớp biểu bì bong ra dễ dàng hơn mà không gây viêm.

SA giúp mở các lỗ chân lông bị tắc và tiêu diệt vi khuẩn bên trong, ngừa các lỗ chân lông bị tắc nghẽn trở lại bằng cách thu hẹp đường kính lỗ chân lông và kích thích sự phát triển của tế bào mới. Với các đặc tính trên, SA trở thành một liệu pháp rất hữu dụng trong điều trị mụn trứng cá. Bên cạnh đó, tác dụng chống viêm và làm tê của salicylate dẫn đến giảm số lượng ban đỏ và cảm giác khó chịu thường liên quan đến tái tạo da bằng hóa chất.

SA không cần trung hòa và sau khi thoa có thể rửa sạch da bằng nước sạch. Quá trình bong tróc diễn ra bắt đầu sau 2-3 ngày và kéo dài đến 1 tuần, mạnh hơn so với tái tạo bằng glycolic acid. Sử dụng SA không phải lo ngại về thời gian lưu thuốc hoặc quá liều vì có sự xâm nhập vào da rất ít. Rất hiếm khi SA có thể gây nhiễm độc toàn thân. Tái tạo da có thể được lặp lại hàng tháng.

3. Trichloroacetic acid

Trichloroacetic acid (TCA) là sản phẩm thu được thông qua quá trình chưng cất từ hơi acid nitric, tồn tại dưới dạng tinh thể khan (hút ẩm), màu trắng. TCA là một acid mạnh hơn nhiều so với bất kỳ loại acid hiện tại nào khác được sử dụng để peel da. Giống như acid glycolic (GA), TCA hầu như không có độc tính toàn thân, ngay cả khi bôi ở dạng đậm đặc trên da. Khi thoa lên da, nó không hấp thu vào hệ tuần hoàn.

TCA được sử dụng như một chất peel da từ trung bình đến sâu với nồng độ từ 20%-50%. Độ thâm nhập sâu tăng lên khi nồng độ tăng lên. Với TCA 10%-25% được sử dụng cho peel da rất nông và 35% được sử dụng cho loại peel da có độ sâu trung bình. Nồng độ >35% không được khuyến khích do có khả năng để lại sẹo và khó kiểm soát kết quả hơn. Tái tạo bằng TCA thường được sử dụng peel da có độ sâu trung bình để điều trị rối loạn sắc tố và sẹo ở mặt.

Ưu và nhược điểm của phương pháp peel da

1. Ưu điểm

  • Cải thiện những vấn đề của da: Ngoài khả năng giúp hỗ trợ điều trị mụn, peel da còn ngăn mụn tái phát, làm mờ sẹo và vết thâm. Nhờ đó, da trở nên khỏe mạnh, rạng ngời, căng tràn sức sống.
  • Thời gian điều trị ngắn: Tùy tình trạng da, bạn chỉ cần thực hiện peel da từ 2 – 7 lần đã có thể mang lại hiệu quả cao, thời gian phục hồi cũng khá nhanh.
  • Không gây đau đớn khi điều trị: Vì là phương pháp điều trị không xâm lấn nên thường sẽ không gây đau và không cần nghỉ dưỡng trong và sau khi điều trị.

2. Nhược điểm

  • Không phải làn da nào cũng có thể peel được mà phải tùy vào tình trạng da, tính chất của da mới có thể chỉ định nên peel da hay phải sử dụng các phương pháp khác.
  • Không phải ai cũng có thể tự peel da được mà cần trang bị kiến thức chắc chắn để mang lại kết quả tốt nhất.
  • Làn da sau peel vô cùng nhạy cảm và mỏng manh. Vì vậy, bạn nên sử dụng kem chống nắng đủ lượng dùng cho mỗi ngày vào buổi sáng, đặc biệt bôi kem chống nắng trước 30 phút khi ra ngoài. Nếu không che chắn và bảo vệ cẩn thận, việc tăng sắc tố hay sạm nám nặng hơn sau peel da là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Quy trình thực hiện peel da cơ bản chuẩn y khoa

1. Tẩy trang và làm sạch vị trí cần peel da

Đây là bước sơ khởi giúp loại bỏ lớp bụi bẩn và bã nhờn trên da, tạo điều kiện giúp da hấp thụ dưỡng chất tốt nhất.

READ  60+ hình xăm đẹp cho nữ ở lưng chọn lọc cực cuốn hút và quyến rũ

2. Bảo vệ da

Bảo vệ những vùng da không peel bằng mỡ vaseline (bôi lên những vùng da mỏng như khóe mũi, khóe miệng, khóe mắt, vùng da cạnh vùng peel); đắp gạc lên vùng mắt để tránh bị dính dung dịch peel.

3. Peel da

Một lớp hóa chất peel sẽ được thoa lên bề mặt da đã được làm sạch trước đó. Các bác sĩ lựa chọn dung dịch peel da phù hợp với tình trạng da của bạn.

4. Làm sạch, làm lạnh và phục hồi da

Bạn sẽ được lau sạch lại toàn mặt bằng khăn lạnh đã chuẩn bị trước đó, ủ vài phút nhằm làm dịu da; sử dụng kem dưỡng ẩm dịu da thoa đều khắp mặt nhằm phục hồi và làm dịu da.

5. Tư vấn sau peel

Bác sĩ sẽ tư vấn về cách chăm sóc da sau peel phù hợp với từng liệu trình peel da đã thực hiện cho bạn.

Quy trình thực hiện peel da cơ bản chuẩn y khoa
Quy trình thực hiện peel da cơ bản chuẩn y khoa

Một số lưu ý cần biết trước và sau khi lựa chọn peel da

1. Trước khi peel da

  • Ngưng sử dụng các sản phẩm tẩy tế bào chết những mỹ phẩm gây khô da ít nhất 48 giờ.
  • Nếu bạn đang sử dụng thuốc để điều trị những vấn đề về da nên trao đổi với bác sĩ để xem những thành phần chống chỉ định nếu có.
  • Luôn cung cấp đủ ẩm cho da để đạt hiệu quả tốt nhất sau khi peel da.
  • Trước khi peel da tránh làm tổn thương, trầy xước da, điều này giúp bạn giảm cảm giác đau rát trong suốt quá trình peel.
  • Nếu bạn có dự định đi du lịch thì không nên thực hiện peel da vì sau khi peel, da cần thời gian bong tróc và phục hồi đòi hỏi sự chăm sóc cẩn thận.
  • Lựa chọn những bệnh viện có khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da uy tín.

2. Sau khi peel da

2.1 Chăm sóc da sau peel nông

  • Thời gian lành da từ 1-7 ngày.
  • Rửa mặt bằng sản phẩm dịu nhẹ, dùng dưỡng ẩm dạng lotion hay kem cho đến khi da lành.
  • Dùng chống nắng mỗi ngày.
  • Trang điểm có thể thực hiện sau 1 ngày.
  • Hiệu quả có thể thấy sau 3-5 lần.
  • Lặp lại liệu trình sau 2-5 tuần.

2.2 Chăm sóc da sau peel trung bình:

  • Thời gian lành da từ 7-14 ngày.
  • Rửa mặt nhiều lần trong ngày và thoa thuốc mỡ (NSAID, kháng histamin, corticoid) ngay sau khi rửa, dùng dưỡng ẩm dạng lotion hay kem.
  • Dùng thuốc kháng virus 10-14 ngày.
  • Hạn chế tối đa tiếp xúc với ánh nắng cho đến khi da lành.
  • Uống nhiều nước, kê cao đầu khi ngủ.
  • Trang điểm có thể thực hiện sau 5-7 ngày.
  • Chỉ lặp lại liệu trình sau 3-9 tháng.

2.3 Chăm sóc da sau peel sâu

  • Thời gian lành da từ 14-24 ngày. Có thể băng lại vùng da vừa lột.
  • Rửa mặt 4-6 lần/ngày kèm theo thoa thuốc mỡ (NSAID, kháng histamin, corticosteroid) ngay sau khi rửa mặt trong 14 ngày đầu tiên. Dưỡng ẩm thoa lớp dày sau ngày thứ 14.
  • Dùng thuốc kháng vi rút 10-14 ngày.
  • Hạn chế tối đa tiếp xúc với ánh nắng trong 3-6 tháng.
  • Uống nhiều nước, kê cao đầu khi ngủ.
  • Trang điểm có thể thực hiện sau ít nhất là 14 ngày.
  • Chỉ lặp lại liệu trình sau 12 tháng.

Tác dụng phụ có thể gặp khi lựa chọn peel da

Peel nông da có thể bị bỏng rát, nổi ban đỏ, ngứa ngáy khó chịu, còn với những người lựa chọn peel trung và sâu nếu không biết cách peel đúng cách có thể bị nhiễm nấm, nhiễm độc gan, nổi mụn, nhiễm khuẩn, rối loạn nhịp tim và để lại sẹo.

Khi xuất hiện những tác dụng phụ, đặc biệt những bạn chọn cách peel da tại nhà thì nên đến bệnh viện uy tín để thăm khám, tránh những biến chứng gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về peel da

1. Peel da có tốt không?

Có. Peel da là phương pháp điều trị, cải thiện tình trạng da bằng cách sử dụng các hợp chất hóa học được khoa học chứng minh. Peel da giúp mang lại những hiệu quả tích cực như điều trị mụn, giúp làm sáng, trẻ hóa da mặt, làn da trở nên mịn màng, hỗ trợ thông thoáng lỗ chân lông, điều trị chứng tăng sắc tố da và các sự đổi màu da khác.

2. Peel da có an toàn không?

Có. Nếu bạn có kiến thức về peel da cũng như lựa chọn những bệnh viện uy tín thì việc peel da hoàn toàn an toàn.

3. Có nên tự ý peel da tại nhà?

Nếu bạn peel da bằng phương pháp peel da nông và đã nắm rõ hết những quy trình thì có thể peel da tại nhà. Tuy nhiên, khi peel da tại nhà đồng nghĩa với việc bạn phải đánh cược những nguy cơ tiềm ẩn như: da mẩn đỏ, để lại sẹo gây mất thẩm mỹ, nhiễm trùng da.

Vì vậy, để peel da an toàn, hiệu quả, bạn nên gặp bác sĩ Da liễu – Thẩm mỹ Da để tiến hành.

Giới thiệu dịch vụ peel da tại BVĐK Tâm Anh

BVĐK Tâm Anh TP.HCM cung cấp dịch vụ tái tạo da bằng hóa chất với những sản phẩm an toàn, chất lượng. Ngoài ra, trước khi tiến hành peel da, các bác sĩ sẽ tiến hành soi da, thăm khám và đưa ra những phác đồ điều trị phù hợp.

Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM sở hữu trang thiết bị máy móc tân tiến nhất được nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Nhật Bản,… cùng đội ngũ bác sĩ giàu năm kinh nghiệm, bệnh viện chuẩn 5 sao sẽ giúp bạn chăm sóc sức khỏe da liễu nói riêng và sức khỏe toàn diện nói chung.

Bác sĩ đang khám da liễu cho người bệnh
Bác sĩ đang khám da liễu cho người bệnh

Peel da có tác dụng vượt trội với làn da với chi phí phải chăng, phù hợp với mọi đối tượng. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện để mang lại kết quả như mong đợi, tránh những biến chứng có thể xảy ra, gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ.